Có chồng đẹp trai và biết chăm sóc hình thức là một điều may mắn của vợ, nhưng nếu chẳng may lấy phải đức lang quân chỉ chăm chăm…

Trong các câu chuyện phiếm của mấy chị em trong khu phố, chị Hòa (Giảng Võ, HN) luôn được đem ra làm ví dụ về việc “tốt số” lấy được chồng đẹp trai phong độ. Mặc dù đã cận kề tuổi tứ tuần nhưng anh Phong vẫn khiến nhiều chàng trai phải xuýt xoa ghen tị về thân hình vạm vỡ, rắn chắc, khuôn mặt nam tính và phong cách ăn mặc đẹp, sang trọng như doanh nhân. Mới đầu, chị Hòa cũng có đôi chút tự hào khi đón nhận những lời khen của mọi người.

Nhưng trong thâm tâm là một nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai bởi cũng chỉ có mình chị hiểu rằng: để được cái tiếng đẹp trai, đổi lại là cả một quá trình dày công chăm chút nhan sắc không thua kém gì người nổi tiếng của chồng.

Hai vợ chồng chỉ là viên chức, làm công ăn lương, lại còn nuôi hai đứa con đang học cấp 1. Cuộc sống vốn chẳng dư dả, nhưng trong quỹ chi tiêu của chồng, tháng nào cũng phải tốn một khoản kha khá cho việc làm đẹp. “Chồng là trai Hà Nội, từ khi yêu mình đã có thói quen để ý hình thức. Nhớ hồi ấy, mình ấn tượng nhất câu anh nói: ăn đói một chút cũng được, nhưng nhất thiết ăn mặc, đầu tóc phải tươm tất. Mỗi tháng lĩnh lương về, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy hết veo vì lý do: anh đi mua sắm, có khi chẳng còn tiền tiêu. Đến khi lấy nhau về, thói quen ấy vẫn luôn được duy trì, ngay cả những khi vợ chồng túng tiền tiêu”, chị Hòa thở dài.


Để được cái tiếng đẹp trai, đổi lại là cả một quá trình dày công chăm chút nhan sắc không thua kém gì người nổi tiếng của chồng. (ảnh minh họa)

Tuy không phải sếp lớn, cũng chẳng làm công việc cần giao tiếp nhiều nhưng anh Phong lúc nào cũng phải tỉa tót bóng loáng rồi mới chịu ra đường. Tóc tai cắt đều đặn hàng tuần, khi ra khỏi nhà vào buổi tối không bao giờ quên vuốt keo. Quần áo cũng toàn là hàng hiệu, cùng lắm cũng là hàng fake loại 1, chứ không khi nào anh chịu mặc hàng bình dân hay mua tạm ngoài chợ. Vốn là “tín đồ” của nước hoa, gần như nửa năm một lần, bộ sưu tập nước hoa của anh cũng lại kết nạp thêm một số thành viên mới. Các loại kem dưỡng da, bọt cạo râu cũng phải là hàng cao cấp vì lý do “dùng hàng rẻ tiền chỉ tổ hỏng mặt”.

Tuần 7 ngày thì 3 ngày anh Phong có mặt ở phòng tập gym, 3 ngày tập tennis để giữ phom dáng. Chuyện ăn uống cũng là vấn đề to lớn. Song song với việc tập luyện, anh Phong cũng có yêu cầu khá khắt khe trong chế độ ăn giảm mỡ và tăng độ săn chắc cơ. Chưa kể là một khoản tiền không nhỏ đầu tư mua sắm các loại máy móc, quần áo và giày tập. Tính ra, mỗi tháng cũng mất gần đứt tháng lương cho toàn bộ các công đoạn chăm sóc sắc đẹp.

Ngày còn là vợ chồng son, chị Hòa tuy có hơi bực bội nhưng vẫn kiên nhẫn chịu đựng tính “đỏm dáng” của chồng. Nhưng đến khi có con đầu lòng, thì quả thật chị không thể đứng nhìn được nữa. Sau khi mất nhiều công sức bày mưu tính kế, chị Hòa quyết định sẽ dùng đòn kinh tế để trị bệnh “đỏm dáng” của chồng. Một mặt chị luôn kêu than hết tiền mua đồ cho con, mua thức ăn cho gia đình, một mặt chị hạn chế đến mức tối đa chuyện mua sắm hoang phí. “Có một hôm, hai vợ chồng đi siêu thị. Mình để ý thấy chồng đi một vòng rồi chọn một đống các loại sữa rửa mặt, bọt cạo râu… Mình vẫn không nói gì, đến khi ra quầy tính tiền thì mình cố ý đưa mấy hộp sữa của con lên trước, rồi lấy lý do là không đủ tiền nên bỏ lại toàn bộ chỗ hàng mà chồng chọn. Thấy ông ấy mặt ngẩn ngơ mà mình cũng được phen hả hê trong lòng”, chị Hòa kể lại.

Chung tình cảnh như chị Hòa, Lan (Hoàng Mai, HN) cũng từng không ít lần giận đến tím mặt sôi gan vì chuyện chồng quá coi trọng hình thức. Tuy không đến mức tiêu xài hoang phí chỉ để chăm chăm làm đẹp nhưng Hoàng – chồng Lan cũng thuộc tuýp người thích chải chuốt. Bình thường mỗi lần ra đường, Lan đợi chồng chuẩn bị cả nửa tiếng là chuyện bình thường, chưa kể hôm nào chàng lại bỗng nổi nhã hứng muốn cầu kỳ hơn một tẹo.

Trau chuốt thường đi liền với kỹ tính, kể từ khi lấy chồng, Lan đã quá quen với việc phải chờ đợi chồng chuẩn bị đồ hay phải đi cạnh một ông chồng bóng bẩy từ đầu đến chân. Mỗi lần tắm là Hoàng sẽ “đóng quân” trong đó ít nhất nửa tiếng đồng hồ, chưa kể những hôm có lịch… tẩy da chết định kỳ. Trong phòng riêng của hai vợ chồng còn có hẳn một tủ đựng riêng các loại áo đã là phẳng phiu và áo mới giặt. “Có khi đang nấu dở bữa cơm, mình có nhờ chồng chạy ra đầu ngõ mua hộ chai nước mắm. Thấy chồng cứ ậm ừ nên giục từ sớm, ngoảnh đi ngoảnh lại một lúc vẫn thấy chồng đang lục tủ tìm quần cho hợp màu với áo đang mặc. Lúc ấy đúng là mình chỉ biết kêu trời rồi quát ầm ỹ nhà cửa lên, đúng là bó tay chấm com với chồng”, Lan than thở.

Mặc dù là “trai thẳng” nhưng Hoàng lại đặc biệt thích các loại trang phục có màu sắc sặc sỡ và luôn luôn phải đi kèm phụ kiện cùng tông màu (ảnh minh họa)

Chuyện cũng chẳng có gì đáng để nói, nếu như sở thích ăn diện và chải chuốt của Hoàng không đến mức đi quá giới hạn. Mặc dù là “trai thẳng” nhưng Hoàng lại đặc biệt thích các loại trang phục có màu sắc sặc sỡ và luôn luôn phải đi kèm phụ kiện cùng tông màu. Chưa kể, kho giày dép của Hoàng cũng không phải đơn giản khi có đủ các loại phù hợp với mỗi dịp khác nhau. Nhiều người lần đầu tiếp xúc với Hoàng còn nhận nhầm anh là “bóng”. Trong khi Lan lại thích giản dị, quần áo có phần hơi cẩu thả nên đứng cạnh chồng thì ai cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt đến mức trái ngược, thành ra sự xuất hiện của Hoàng lại càng thêm nổi bật.

Một lần hai vợ chồng cùng nhau đi đám cưới cô bạn học chung Đại học. Đến khi ngồi vào bàn chuẩn bị ăn thì Lan mới nhận ra quanh hai vợ chồng có tiếng xì xào, loáng thoáng nội dung ám chỉ Hoàng có vấn đề khó hiểu về giới tính. Lan chỉ biết cắm cúi ăn cho xong rồi thừa lúc mọi người ít để ý nhất thì tách khỏi chồng rồi vội vàng lẻn về. Đêm hôm ấy, Lan khóc sướt mướt trách móc chồng. Thấy vợ giận dỗi, Hoàng cũng tỏ thái độ hối hận và nhận lỗi về mình. Nhưng khi nghe chồng hứa sẽ sửa đổi, Lan một lần nữa chỉ biết thở dài vì cô thừa hiểu “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”.

Bạn có thể xem thêm: 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 
Top